Thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại

Thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại là một trong những giải pháp tối ưu được các thương nhân lựa chọn khi xảy ra tranh chấp trong quá trình hoạt động thương mại. Thủ tục hòa giải không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí mà còn có thể duy trì được mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên. Hãy cùng Long Phan tìm hiểu về thủ tục hòa giải khi giải quyết tranh chấp thương mại thông qua bài viết dưới đây.Tư vấn thủ tục hòa giải tranh chấp thương mại

Tư vấn thủ tục hòa giải tranh chấp thương mại

Các tranh chấp thương mại thường gặp

Tranh chấp thương mại là là các tranh chấp phát sinh chủ yếu giữa các thương nhân liên quan đến hoạt động thương mại. Bao gồm các tranh chấp liên quan đến: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt hoạt đồng sinh lời khác. Các tranh chấp này phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng và pháp luật trong quá trình thực hiện các cam kết, thường có giá trị tranh chấp lớn, dẫn đến thiệt hại cho lợi ích của các bên liên quan.

Dưới đây là một số tranh chấp thương mại thường gặp:

  • Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận như: thực hiện hợp đồng, thanh toán hợp đồng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ,…
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
  • Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty

Đây là những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động thương mại và có giá trị lớn. Các bên cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.

Nguyên tắc hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp

Việc hòa giải thương mại cũng cần phải tuân theo các nguyên tắc chung để đảm bảo phát huy hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp này. Các nguyên tắc để giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm:

  • Nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Các bên tranh chấp tham gia quá trình hòa giải tự nguyện. Tức là họ tham gia quá trình này vì mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không bị ép buộc. Ngoài ra, các bên được coi là bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình hòa giải, không ai được đặc quyền hơn người khác.

  • Bảo mật thông tin.

Các thông tin liên quan đến quá trình hòa giải phải được giữ bí mật, trừ khi có sự thỏa thuận bằng văn bản hoặc có quy định khác trong pháp luật. Mục đích của nguyên tắc này là bảo vệ sự riêng tư và tin cậy của các bên tham gia, cũng như đảm bảo tính minh bạch và công bằng của quá trình hòa giải.

  • Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.

Các bên trong quá trình hòa giải phải tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc đạo đức xã hội. Nội dung của thỏa thuận hòa giải không được phép vi phạm các quy định pháp luật, không được thực hiện với mục đích trái ngược với đạo đức xã hội, không được sử dụng để trốn tránh nghĩa vụ, và không được làm tổn thương quyền lợi của bên thứ ba.

Những nguyên tắc này sẽ đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Căn cứ nội dung quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (sau đây gọi là Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Tại sao nên giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải?

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải có nhiều lợi ích, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh:

  • Tiết kiệm thời gian và chi phí: Hòa giải thường nhanh chóng hơn so với việc đưa vụ việc ra tòa án. Việc giải quyết qua hòa giải giúp tránh được những thủ tục phức tạp và chi phí pháp lý cao của một vụ kiện.
  • Bảo vệ mối quan hệ kinh doanh: Hòa giải giúp giữ gìn mối quan hệ giữa các bên liên quan bằng cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và đồng thuận. Điều này có thể giúp duy trì hoặc thậm chí củng cố mối quan hệ kinh doanh lâu dài.
  • Tính linh hoạt và sáng tạo: Hòa giải cho phép các bên tự do thảo luận và đề xuất các giải pháp sáng tạo, không bị ràng buộc bởi một quy trình thủ tục tố tụng chặt chẽ như trong tòa án. Điều này có thể dẫn đến các thỏa thuận phù hợp và linh hoạt hơn.

Thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại

Hồ sơ

Hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện hòa giải theo thủ tục hòa giải thương mại bao gồm:

  • Thỏa thuận hòa giải thương mại;
  • Hợp đồng thương mại giữa các bên;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Giấy tờ chứng minh nhân thân của đại diện các bên (căn cứ công dân, hộ chiếu,…)
  • Giấy tờ ủy quyền trong trường hợp có ủy quyền tham gia hòa giải;
  • Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh vi phạm, tranh chấp giữa các bên.

Trình tự tiến hành

Quá trình hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại qua các bước sau:

Bước 1: Các bên thỏa thuận lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

Các bên có quyền lựa chọn một trong hai trình tự, thủ tục sau:

  • Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại;
  • Tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải.

Trường hợp các bên không tiến hành thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp.

Bước 2: Hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo thỏa thuận của các bên.

Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.

Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Bước 3: Ra kết quả hòa giải.

Trường hợp hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành với các nội dung chính sau:

  • Căn cứ tiến hành hòa giải;
  • Thông tin cơ bản về các bên;
  • Nội dung của vụ việc;
  • Thỏa thuận và giải pháp thực hiện;
  • Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên.

Trường hợp hòa giải không thành, các bên chọn một trong hai phương thức sau:

  • Tiếp tục hòa giải.
  • Yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nội dung quy định tại Điều 12, 13, 14, 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

>>> Xem thêm: Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng hòa giải

Tư vấn giải quyết tranh chấp thương mại

Tư vấn giải quyết tranh chấp thương mại

Lưu ý khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải

  • Pháp luật cho phép các bên linh hoạt trong việc quyết định thời điểm bắt đầu quá trình hòa giải. Họ có thể chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ngay từ khi có tranh chấp, hoặc sau khi tranh chấp đã phát triển, hoặc thậm chí ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết.
  • Tranh chấp có thể được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên đều đồng ý và ký kết một thỏa thuận hòa giải.
  • Hòa giải thành sẽ được lập thành văn bản và có giá trị pháp lý ràng buộc như hợp đồng, ràng buộc các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Các bên có thể đem kết quả hòa giải thành yêu cầu cho công nhận và thi hành tại Tòa án thông qua thủ tục giải quyết việc dân sự tại Tòa.

Căn cứ nội dung quy định tại Điều 6, Điều 16 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Dịch vụ tư vấn hòa giải tranh chấp thương mại

Với đội ngũ chuyên viên đầy kinh nghiệm, Long Phan cung cấp đến quý khách hàng sự tư vấn chuyên sâu và hỗ trợ cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại bằng thủ tục hòa giải. Bao gồm các dịch vụ sau đây:

  • Tư vấn, phân tích và định rõ các vấn đề gây tranh chấp giữa các bên, bao gồm việc xác định các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo hợp đồng hoặc luật pháp liên quan;
  • Hỗ trợ đàm phán trong quá trình đàm phán giữa các bên để đạt được một thỏa thuận hòa bình và công bằng;
  • Tư vấn, hướng dẫn trình tự, thủ tục, chuẩn bị hồ sơ yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành để đảm bảo thỏa thuận được thực hiện trên thực tế;
  • Xây dựng, soạn thảo cơ chế thực hiện cam kết thỏa thuận hòa giải thành và trách nhiệm khi vi phạm thỏa thuận;
  • Tư vấn lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nếu hòa giải không thành;
  • Tư vấn trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án hoặc Trọng tài;
  • Lên phương án, chuẩn bị tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở giải quyết tranh chấp;
  • Soạn thảo các đơn từ trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp có phát sinh;
  • Đưa ra phương án xử lý các vấn đề đang tranh chấp.

>>> Xem thêm: Tư vấn giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại

Tư vấn thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại

Tư vấn hòa giải tranh chấp thương mại

Như vậy, việc sử dụng thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại không chỉ là một phương pháp hiệu quả mà còn là một giải pháp để xây dựng và củng cố mối quan hệ kinh doanh bền vững giữa các bên liên quan. Chúng tôi hy vọng thông tin trên đây đã giúp giải đáp phần nào thắc mắc của quý khách hàng. Nếu quý khách cần tư vấn, vui lòng liên hệ đến Long Phan qua Hotline 0906.735.386 để được hỗ trợ nhanh chóng và tận tình. Xin chân thành cảm ơn!